NHỮNG ĐIỀU VỀ THÀY GIỜ MỚI NGỎ - Phạm Sĩ Thuần

Cuộc đời thật kỳ lạ. Nếu không có cơ may gặp Thầy Luyện trong đám cưới cháu gái. Nếu không hội ngộ gặp bạn Đình Phú trong bữa tiệc tối mừng vu qui; chắc đâu có dịp làm cầu nối cho tôi gặp thêm một số bạn học cũ La San. Đồng thời có cơ hội được bày tỏ  nỗi niềm tự sự của một người đã qua xa rồi: Thời cắp sách đến trường

Ngày vu qui cô cháu gái được tổ chức hồi đầu năm(2011). Tôi may mắn gặp lại Thầy Phạm Văn Luyện. Bữa đó chững chạc trong bộ Veston , Thầy đại diện cho họ nhà trai. Dù thời gian đã lâu không gặp Thầy từ ngày thôi học. Nhưng trông thầy không thay đổi là bao, mà hình như…. Đẹp hơn xưa. Tôi chỉ kịp chào hỏi mấy câu rồi thôi. Chỉ đến hôm sau rước dâu, ngồi cùng bàn với Thầy. Lúc ấy, Thầy trò mới có thời gian hàn huyên, tâm sự.

Theo Tôi biết trước 1975 Thầy có dạy ở trường Trung Tiểu học Thân Hữu ( Chi Lăng ). Thủa đó, tôi chưa ý thức được đúng nghĩa tôn sư trọng đạo. Vì trong mắt học trò lúc bấy giờ Thầy Luyện thuộc típ giáo sư rất khó tính: Thày dạy học và hành với cán chổi lông gà! Bởi thế, các học sinh thường cố gắng học thuộc bài. Nếu không khi  bị gọi tên lên bảng, chỉ cần gãi đầu, gãi tai chậm trễ sẽ được ăn cháo lươn ngay.

Mãi về sau lập gia đình được làm bổn phận người cha. Tôi mới nghiệm được câu “ Yêu cho voi cho vọt”. Từ đó càng thêm khâm phục và biết ơn Thầy. Vì biết rằng chỉ khuyên bảo dạy dỗ bằng lời. Khó mà giáo dục được được đến nơi đến chốn  đối với lũ học trò nhất quỉ nhì ma….này.

Qua lần gặp gỡ trên hai thày trò cùng nhắc đến Thầy Trúc, Thầy  Đình, Thầy Tường, Thầy Thiện Hảo, Thầy Trần Cường,….đồng thời Thầy cho biết nơi cư ngụ hiện nay của một số Thầy. Thầy Luyện cũng khuyên tôi nên tham gia họp mặt lớp nhân ngày lễ thánh bổn mạng Gioan La San  15/5 hàng năm. Tôi cũng thưa thật với Thầy do mặc cảm hoàn cảnh kinh tế nên chỉ đi dự mấy lần rồi thôi. Tôi hứa sẽ cố gắng đi dự họp mặt thường xuyên hơn.

Trở lại chuyện các Thầy. Theo tôi nghĩ khi đứng lớp , các Thầy Cô ai cũng muốn cống hiến hết khả năng để  truyền đạt kiến thức của mình cho học sinh. Điều này làm các Thầy Cô rất hạnh phúc và yêu nghề. Học sinh thì chăm chỉ tiếp thu và chúng ta cũng kính trọng, tri ân các Thầy. Tuy nhiên mỗi Thầy có một phương pháp truyền đạt riêng để gây ấn tượng sâu sắc cho học sinh. Riêng tôi thầy Thiện Hảo đã để lại trong lòng tôi một niềm tin yêu sâu đậm. Hẳn các bạn còn nhớ năm lớp bảy Thầy Hảo phụ trách môn văn. Không dạy hay như Thầy Đình. Thầy Hảo dạy rất khô và tẻ nhạt. Đã vậy, Thầy còn in riêng tài liệu học tập và phát riêng cho từng học sinh để về tham khảo thêm và học tại nhà.

Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu Thầy không chuyển qua dạy làm thơ và cách gieo vần. Giảng về thơ Thầy nói rất kỹ về các luật gieo vần của từng thể loại thơ như lục bát, thất ngôn bát cú,….Vậy là mỗi giờ của Thầy những từ bằng bằng, trắc trắc,…cứ đảo qua đổi lại khiến tôi chú ý và nó nhập luôn vào trí óc tôi cho đến tận bây giờ. Vậy đó, từ một thằng ngán môn văn như ngán cơm nếp nát ,  lại ghiền môn văn. Sở thích Văn chương, thơ phú ăn vào máu tôi lúc nào không biết. Bốn mươi năm xa rời mái trường. Được Thầy Luyện cho biết, Thầy Hảo hiện đang sinh sống tại Giáo Xứ Trung Hòa. Biết thế mà chưa có dịp nào ghé thăm Thầy được.

Thêm một trường hợp nữa đã ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của tôi. Hẳn các bạn cùng lớp chưa quên: Thầy Đình có một thời gian tạm nghỉ dạy để dưỡng bệnh. Vì Thầy bị bệnh nghề nghiệp ( bệnh phổi). Sau này khi đi dạy trở lại Thầy có nói một câu tôi nhớ mãi. “ Nghề dạy học rất bạc. Đó là nghề bán cháo phổi! ”  Không rõ Thày nói theo nghĩa nào. ( Thày than thân trách phận hay Thầy trách lũ học trò chúng tôi vô tâm). Nhưng tôi cứ bị ám ảnh mãi câu nói này của Thầy. Đến nỗi sau này , dù nộp hồ sơ vào Cao Đẳng Sư Phạm và lúc nhận được giấy báo nhập học. Tôi đã đắn đo mãi và cuối cùng quyết định không theo nghề dạy học.

Ở nơi tôi ở ngày trước là xã Chi Lăng ( Hiện nay thuộc P Eatam, TP Buôn ma thuột )  có hai Thầy từng dạy chúng ta. Đó là Thầy Tường dạy Toán và Nhạc, Thầy Khang dạy Anh Văn. Các Thầy sống rất hòa đồng với mọi người xung quanh. Tôi nhớ có một lần Thầy Tường bảo tôi “ Em cứ gọi tôi là anh cho thân mật. Đừng gọi là Thầy nghe nó phân biệt quá ”. Nên nếu gặp Thầy giữa chỗ đông người tôi xưng hô theo gợi ý của Thầy. Nhưng những lúc gặp riêng tôi vẫn dùng từ Thầy cung kính.

Tất nhiên, cách dạy học của mỗi Thầy không giống nhau. Thường dựa trên cá tính mỗi người như nóng nảy hay mềm mỏng, hiền hay dữ, vui vẻ hay nghiêm khắc,….Tuy nhiên các Thầy có một điểm chung là yêu nghề và yêu học trò. Nhờ thế, đến bây giờ hàng chục năm trôi qua. Chúng ta vẫn nhớ như in hình ảnh của các Thầy trong tâm trí của mình. Để rồi ngồi ôn lại kỷ niệm thời học sinh. Ai cũng trào dâng cảm xúc và nhớ ơn sâu sắc các Thầy.

Riêng tôi. Tôi luôn luôn tâm niệm rằng cha mẹ sinh ta về thân xác. Thầy cô sinh ta về tri thức. Nên càng không thể quên lời dạy của cha ông ta” Nhất tự vi sư; Bán tự vi sư” .

Phạm Sĩ Thuần

 

Video


time2online Extensions: Simple Video Flash Player Module