NHỮNG NGÔI TRƯỜNG Ở BAN MÊ NGÀY TRƯỚC

Tôi có hỏi một người Thầy sau nhiều năm mới quay trở lại Ban Mê. “ Thầy thấy Ban Mê có phát triển nhiều so với trước kia không?” . Thầy trả lời “ Ban Mê bây giờ giống Sài Gòn hồi những năm 60 vậy”. Theo tôi Thị xã  Ban Mê hồi xưa bé tí, buồn hiu. Nhưng mang nhiều kỷ niệm trong mỗi  chúng ta. Ngày ấy tại thị xã có rất nhiều trường Tiểu học, cấp II, III. Đặc biệt là trường cấp III chỉ có ở thị xã Ban Mê. Các bạn ở vùng ven xa Ban Mê hoặc ở các huyện muốn học cấp III thì phải ra thị xã trọ học ( Không biết có giống trong truyện “ ngày xưa còn bé” của nhà văn Duyên Anh không!). Chẳng hạn hồi đó các bạn như Phạm Huy Hoàng, Nguyễn Đình Phú, Võ Xuân Hòa…ở Hà Lan , Buôn Hồ  phải ra phố trọ học, hoặc bạn Bạch Ly ở H Đức Lập cũng vậy. Theo tôi cảm nhận Dân Ban Mê vốn là dân tứ xứ, nhưng cũng hiếu học và biết đùm bọc nhau. Nên tại Ban Mê  cứ một Ngôi Chùa, một Nhà Thờ xứ là có một ngôi trường nho nhỏ, vài ba lớp tiểu học, học phí thì tùy theo khả năng, ai nghèo quá thì miễn còn cho thêm sách vở quần áo. Đó là chưa kể đến những lớp học tư thục nhỏ, thường là do những ông giáo già về hưu mở dạy nhưng thường là cấp tiểu học thôi. Như trường tư thục Sông Hồng, tư thục này chắc các bạn biết nhiều vì sau này buổi tối thầy Sỹ và thầy Nam mở lớp đêm ở đây và có khá đông các bạn đến học.Thôi trước hết nói qua những kỷ niệm về trường La San đồi  , rồi các trường kia mình kể sau cũng được.

Hồi đó nhà tôi ở gần cầu cổng số 2, Ban Mê. Nên tất nhiên tôi học ở trường La San đồi cho gần. Hàng ngày từ nhà đến trường chỉ khoảng một cây số. Nên đi bộ tà tà leo dốc một chút 15 phút là tới. Có lần vào lớp trễ 10 phút . Thầy giáo hỏi “ Nhà em ở đâu mà đi trễ vậy”. Tôi liền trả lời “ Dạ nhà em ở dưới cầu”, cả lớp cười ồ lên. Năm 1964 , trường la San đồi bắt đầu nhận học sinh những lứa đầu tiên. Hồi đó xung quanh trường rất hoang vắng. Gần suối ngay cổng trường như là một rừng cây. Tôi nhớ khi đó học cấp I phải học cả hai buổi sáng và chiều. Nên có nhiều bạn ở xa ngại về, buổi trưa ở lại uốn những bụi tre bên suối thành những căn chòi nhỏ, dưới phủ lá tre khô để nghỉ ngơi buổi trưa. Tôi nghĩ chắc không trường ở Ban Mê nào có chuyện thú vị như vậy. Lúc trường mới thành lập. Giảng dạy trong trường hầu hết là các sư huynh dòng La San. Các Frère rất nghiêm khắc và nghiêm túc trong việc dạy dỗ. Nên những năm học đầu khi còn thi tú tài 1. Dân La San đỗ rất cao, có năm đỗ 100% , đó cũng là niềm tự hào của trường. Trường La San  rất có tiếng tăm trong thị xã Ban Mê. Hồi đó lấy được bằng tú tài là một sự khó khăn và vinh dự lắm. Những năm về sau vì thiếu giáo viên. Nên phải tuyển thêm giáo viên bên ngoài . Nên  không còn giữ được thành tích đậu cao như những năm đầu. Không biết các bạn còn nhớ không? Hồi tôi học cấp tiểu học. La San đồi Ban Mê còn nhận học và nội trú của các chủng sinh dòng La San. Sinh hoạt trên lầu ba ( sau này là chỗ chúng mình học lớp 11). Chỉ nhớ nhiều kỷ niệm về các bạn chủng sinh này với trò chơi bắn số. Vài buổi chiều trong tuần trên vườn cao su trong trường. Các bạn chủng sinh đeo một bảng số bằng  giấy cột dây thun trên trán, tay cầm súng bằng gỗ. Rồi chia làm hai phe, có bộ chỉ huy riêng và cắm cờ của bộ chỉ huy của mỗi phe.  Mỗi người chơi phải tìm mọi cách che số của mình trên trán (  nhưng không được dùng tay). Có thể vừa che số vừa di chuyển bằng cách hai người tỳ đầu vào nhau. Bắn chết đối phương chính là đọc đúng số của người đó. Nếu đọc lộn số là mình phải chết. Phe này thắng được phe kia bằng cách bắn chết hết phe đối phương hoặc là cướp được cờ chỉ huy của phe bên kia mang về bộ chỉ huy của mình . Sau này tôi cũng áp dụng trò chơi này vào các hội đoàn khi còn bé. Trò chơi này rất là vui và thú vị.

Trường tiểu học nổi tiếng nhất thị xã lúc đó có lẽ là trường Tiểu Học  Nguyễn Công Trứ. Trường nằm ở ngả tư Phan Bội Châu và Tôn Thất Thuyết (bây giờ là Lê Hồng Phong ). Giữa sân trường có một cây đa cổ thụ cao ngất, phía sau trường là Đình Lạc Giao.Trường chia ra hai buổi học, sáng là các nam sinh học,  chiều đến các nữ sinh học và gọi tên riêng là Nữ Tiểu Học (hồi xưa phong kiến thật, nam nữ phải học riêng). Ngoài ra  còn một vài trường cũ nữa, như trường Tiểu Học Lam Sơn. Trường nằm trên một khu đất rộng nhưng chỉ xây cất nhẹ bằng gỗ, nền xi măng cao hơn mặt đất cả mét, đi lên bằng ba bực cấp. Bây giờ  cũng trên khu đất này đã xây cất lại rất lớn là trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. Gần đó qua một ngã tư là Trường Trung Học Bán Công, thầy Lê Thanh Nhàn là hiệu trưởng của trường này. Bây giờ  được đổi tên là Trường trung học cơ sở Phạm Hồng Thái. Sát bên  trường Bán Công là trường Tiểu học La San Lam Sơn. Những ngôi trường ở đây đều có chữ Lam Sơn vì khu dân cư này gọi là khu Lam Sơn . Trường nữ trung học có tiếng nhất là trường Vinh Sơn do các Ma Sơ đảm trách giảng dạy. Trường nằm trên đường Phan chu Trinh ngay gần ngã sáu Ban Mê. Trường này chỉ dành riêng cho nữ thôi. Nam sinh không được bén mảng tới. Trường Vinh Sơn chỉ có cấp I và II. Nên khi học hết lớp 9 các bạn phải chuyển qua trường khác. Một số bạn nữ  từ Vinh Sơn qua La San đồi lớp mình như Kim Anh, Thu Sương, Xuân Lan, Thúy Nga, Thanh Tuyền …Gần trường Vinh Sơn còn có trường tiểu học Thánh Tâm do nhà thờ Ngã Sáu quản lý. Nhớ mãi  trước và trên mái của ngôi trường này phủ kín hoa pháo đỏ rực  rỡ mỗi khi mùa hè về.  . Hồi đó Trung học Nông Lâm Súc cũng có xe đưa rước như học sinh La San đồi. Vì trường năm cách phố 6, 7 cây số về hướng cây số 5. Ngã tư Quang Trung - Hai Bà Trưng là nơi đón xe của các bạn Trung học Nông Lâm Súc. Học sinh trường này có đồng phục là áo sơ mi nâu . Ngoài trường này, còn một trường hướng nghiệp nữa là trường Trung Học Kỹ Thuật, học sinh  của trường mặc đồng phục áo quần màu xanh công nhân.. Tuy trường nam sinh nhưng lại được xây cất rất đẹp, hai tầng và có những ô cửa sổ tò vò nho nhỏ.Trường này có phong trào thể thao rất mạnh và rất đoàn kết trong màu áo. Đi đâu ngoài thị xã mà thấy nhóm học sinh kỹ thuật cùng màu áo xanh. Ai cũng kiêng nể. Bây giờ trường có tên mới là Cao Đẳng nghề Daklak.

Trường cấp III lớn nhất Ban Mê hồi đó là trường Trung học tổng hợp Ban Mê Thuột  nằm trên đường Hùng Vương ( Nay vẫn ở vị trí cũ và được đổi tên thành trường cấp III Ban Mê Thuột, trước 75 có dạy cả cấp II). Trường này  là trường công có lịch sử lâu đời nhất tại Ban Mê. Bao giờ cũng có số lượng học sinh và Thầy cô giáo đông hơn các trường khác. Sau 1975, khi học chuyển tiếp niên học dang dở. Tất các học sinh cấp III toàn Ban Mê đều phải tập trung về học tại trường này. Có thể coi đây là một giai đoạn thú vị . Vì khi đó nó là trường cấp III duy nhất của cả tỉnh Đăk Lăk.

Nhưng Kỹ Thuật, Nông Lâm Súc, hay Tổng Hợp đều là trường công, lúc đó  ngoài La San đồi của chúng ta còn có các trung học tư thục như Trường Hưng Đức, trường Bồ Đề. Trường Hưng Đức là trường do LM Đặng Sĩ Bình sáng lập và làm hiệu trưởng. Ngài bây giờ vẫn còn sống, gần 90 tuổi. Hiện làm chánh xứ giáo xứ Hòa Bình, nơi có bạn Đỗ Minh Tuấn  lớp chúng ta làm CT Hội đồng giáo xứ nhiều năm qua. Trường Hưng Đức bây giờ là trường tiểu học Ngô Quyền. Trường  Trung Học Bồ Đề hồi đó nằm cạnh chùa Khải Đoan trên đường Phan Bội Châu. Bây giờ là trường Cấp II Phan Bội Châu. Trường cũng nổi tiếng trong bộ ba trường tư tại Ban Mê ngày đó , là : La San, Hưng Đức, Bồ Đề.

Cao hơn cấp Trung Học có hai trường Sư Phạm bổ túc và Trường Sư Phạm Cao Nguyên. Học ở đây thì mấy anh chị được gọi là Giáo Sinh và khi ra trường dạy cấp 1. Trường Sư Phạm bổ túc nằm gần ngã sáu, trên đường đi cây số 3, trước mặt nhà là phi trường L19 cũ. Trường Sư Phạm bổ túc giờ là trường Sư Phạm Mẫu giáo. Trường Sư Phạm cao nguyên ( Hiện giờ là trường Đại học Tây Nguyên). Trường Sư Phạm Cao Nguyên được người Hà Lan tài trợ xây dựng xong vào khoảng năm 1972. Với khuôn viên nho nhỏ, với những mái nhà dốc đứng theo phong cách mái nhà rông của đồng bào dân tộc rất đẹp và dễ thương.. Hiệu trưởng đầu tiên của trường Sư Phạm Cao Nguyên là ba của bạn Vương Quang Thái  ( Trong hình chụp lớp 8 bạn Thái đứng cạnh bạn Chí Lâm)  .

Nhớ lại những ngôi trường cũ kỹ nhỏ bé ngày xưa. Nhưng đó cũng là nền tảng giáo dục miền núi đầu tiên, để lớp trẻ nối tiếp nhau học hành. Đến trường là nguyện vọng chung của bao lớp người. Từ những ngôi trường này, các thế hệ học sinh lớn lên, vào đời, phục vụ và mơ ước xây dựng một cao nguyên tràn sức sống cho tương lai.

HĐP

Trường này nằm đối diện cổng cũ bệnh viện đa khoa tỉnh Dak Lak. Có lẽ là trường lâu đời nhất của Ban Mê. Bây giờ là khu nhà ở

Phòng học hai tầng sát góc ngã tư Hùng Vương - Bà Triệu

Góc trái trên cao là Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ

Góc trái trên cao là tiểu học Thánh Tâm. Bạn có thấy hoa pháo mới trồng phủ trên mái trường


Trường Đại Học Tây Nguyên bây giờ . Ngày trước là Trường Sư Phạm Cao Nguyên

Vị trí của trường Hưng Đức ngày trước. Bây giờ là Tiểu học Ngô Quyền

Vị trí trường trung học kỹ thuật ngày trước. Bây giờ là trường Cao đẳng nghề Đăk Lăk

Video


time2online Extensions: Simple Video Flash Player Module