MỘT VÒNG HỒ EA KAO – ĐỒI THÔNG BUÔN ALÊ A – Hoàng Phú
Một ngày chủ nhật, trời nắng nhè nhẹ, gió mát thoảng dịu dàng lay động những khóm cây xanh . Tôi chợt nhớ đến con đường ngày xưa mình đã có lần đi qua , chắc đã mười mấy năm hay hơn nữa…Đó là con đường men theo bờ hồ Ea- Kao, băng qua những khu rẫy vườn rồi trổ ra đồi thông Buôn Alê A.
Tuần làm việc đã trôi qua với nhiều mệt nhọc, ý nghĩ muốn đi ra khỏi Thành Phố, thở hít không khí đồng quê làm tôi thấy phấn chấn. Áo mũ lên xe chạy bon bon trên con đường quốc lộ ngang qua trường La San đồi cũ, nhà cửa san sát nhau. Phố xá đã tràn đến nơi này,cách nay vài chục năm vẫn còn là những khu đất vườn hoang vắng. Cuộc sống cứ tiến về phía trước, những căn nhà tầng mọc lên , chợ , tiệm ăn, cửa hàng nối tiếp sát nhau dài đến tận ngả ba Ea-Kao.
Rẽ qua con đường Y Wang, đường nhựa thẳng tắp rộng rãi. Chạy hơn dăm cây nữa nhà của bắt đầu thưa dần. Ban Mê trời tháng mười có chút không khí chớm đông, vài áng mây mù che phủ bớt ánh nắng chói chang. Thời tiết rất dễ chịu để ngao du đây đó. Bây giờ ven đường chỉ còn những khu vườn nhỏ, nhà cửa lùi vào sâu, thấp thoáng sau bóng cây cánh đồng lúa rập rờn ở phía xa xa. Tôi dừng chân ở cầu Noel , xuống chụp vài tấm hình, dòng suối Noel chảy qua sau trường La San rồi mới đổ về đây. Ngày đi học tôi và bạn bè thỉnh thoảng vẫn tranh thủ những giờ trống đi picnic ở suối này. Dòng suối trong vắt, hai bên bờ là tre xanh um tùm. Thời ấy còn chiến tranh chưa thanh bình nên chúng tôi chỉ chơi lẩn quẩn ở bên này suối , không dám lội qua phía bên kia bờ.
Bây giờ rất lâu mới quay trở lại, nó cũng giống như những dòng suối gần khu dân cư khác, đục ngầu và có rác trôi theo dòng nước. Cây cầu Noel có từ rất lâu , nhưng ngày xưa nó là cầu gổ nhỏ xíu, bây giờ được xây dựng kiên cố hơn song trông cũng khá là cũ kỷ. Qua cầu xe chạy thêm một đoạn nữa là đến hồ Ea –Kao.
Địa danh Hồ Ea-Kao, khi nhắc đến khoảng lứa tuổi U50, 60 không ai là không nhớ nhưng ngày tháng cách đây đã hơn ba mươi năm. Khi hàng ngàn thanh niên Thành Phố vào đây lao động đắp đập thủy lợi . Giai điệu valse của những câu hát
“ Eakao chiều nắng hạ, thủy lợi mười tháng ba. Tóc em dài buông xỏa. Buồn vui qua kẽ lá………’
Đôi lúc vẫn còn văng vẳng, bâng khuâng trong nỗi nhớ của tôi. Tôi dừng xe đứng lại nhìn khung cảnh cũ, trời nước mênh mông, một chút bùi ngùi. Bờ đập ngày trước là con đường đất đỏ, nay đã xây dựng kiên cố. Hồ nước rộng mênh mông trải dài mấy ngàn mét. Phía xa bên kia hồ là những dãy núi thấp. Có nhiều người thả câu đang ngồi trầm ngâm bên bờ đập. Phía bên này là cánh đồng lúa , với những đầm nước nhỏ có cả ngàn con vịt đang lội bì bỏm. Ngoài xa hơn một đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ, khung cảnh thật yên bình . Giống như bức tranh đồng quê mà ngày còn bé tôi học trong sách quốc văn.
Nhưng sau bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp này là công sức không nhỏ của những người nông dân. Một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. đó là những con người giản dị mộc mạc. chuyên cần lao động để đóng góp công sức cho xã hội, cho thành phố vùng cao thêm phần trù phú mai sau.
Có một doi đất nhỏ lấn ra mặt hồ với những hàng cây cao mát rượi. Đó là nơi dừng chân uống nước và nghỉ ngơi cho khách đường xa, tham quan hồ. Tôi đến đây vào dịp có một nhóm sinh viên trẻ của Đại học Tây Nguyên đang sinh hoạt, thảo luận vào một dự án bảo vệ những hồ đập nhỏ. Một sinh viên trẻ trung năng nổ bày tỏ sự nhiệt tình của mình với tôi , em nói rằng vào mùa khô, nước hồ khô cạn , và nhóm của em đang thực hiện tuyên truyền, và khảo sát để giữ nguồn nước cho hồ. Đúng là sức trẻ năng nổ và mong cho nhiệt huyết của em được hỗ trợ và tiếp sức. Em làm cho tôi nhớ lại thời tuổi trẻ của mình, cũng nhiệt tình cũng hào hứng như vậy.
Hồ Ea Kao còn rộng và sâu vào trong nữa nhưng đến đập tràn là tôi rẽ sang một con đường khác về phía tay trái. Cũng vẫn là đường nhựa rất dễ đi, nhưng nó hẹp và thơ mộng hơn vì dọc đường cơ man là vườn cây cà phê. Khu này chắc khá là an ninh. Vì tôi thấy người ta trồng cà phê sát mặt đường lộ, không có rào chắn, và cũng không thấy ai trông coi vì quá rộng. Cuối tháng 10, những trái cà phê bắt đầu chín. Sắp đến mùa thu hái cà phê trên vùng đất cao nguyên. Cà phê Ban Mê Thuột cũng có tiếng tăm, từ trong nước đến thế giới.đã lâu..
Nhưng mấy chục năm trôi qua ,cách canh tác vẫn là lối canh tác cũ, những diện tích chia nhỏ cho từng hộ nên không có sản xuất đại trà. Song đó cũng là một đặc điểm của Ban Mê, nơi tôi sinh ra, lớn lên và đang sinh sống. Cảnh vẫn là cảnh cũ , cũng lâu lắm rồi mới đi lại giữa hai hàng cà phê chín đỏ, lòng tôi thấy vui và êm đềm. Có thể xem đây là khu vườn rẫy rất gần phố , vì chỉ cách trung tâm thành phố chừng mươi cây số. Nhưng bạn chỉ đi khỏi nơi mình cư ngụ chỉ bấy nhiêu thôi, đã thấy khung cảnh và đời sống khác nhiều với phố xá rồi, yên tĩnh, xanh ngút mắt và thơ mộng
.Lại rẽ một lần nữa về phía tay trái. Đó là hướng mà tôi ngược lại với lúc khởi hành. Hai bên đường vẫn là những vườn cà phê ngút ngàn nối tiếp nhau. Đường vắng vẻ, chỉ thỉnh thoảng có một chiếc xe máy cày của người dân đi rẫy chạy ngược lại. Trên đường đi tôi dừng lại ghé thăm Chùa Bà. Là một ngôi chùa nhỏ được xây dựng bằng cách khoét vào trong một ngọn núi thấp. Hôm nay tôi đi vào ngày thường nên vắng , nghe nói vào những dịp rằm hay lễ tết khách thập phương đến rất đông. Rời Chùa đi chừng hai cây số nữa là đến đồi thông Buôn Alê A.
Ở quãng thời gian sắp vào năm 2015, giữa một thành phố trẻ và bùng nổ dân cư như Daklak. Nơi mà nhà cửa cứ lan ra, đất đồi thì thu hẹp lại . Còn một đồi thông như thế này thật đáng quý. Mong rằng nó sẽ được giữ gìn, như một lá phổi xanh giữa lòng phố thị. Tôi dừng lại để chụp hình, đồi thông khá sạch và vắng vẻ. Suốt cả một vùng đồi chỉ có tôi và một cặp uyên ương đang chụp hình đám cưới. Không thấy có ai đi picnic rong chơi những ngày nghỉ học như đám bạn bè ngày xưa. Tôi đứng tần ngần bên gốc thông, dưới chân là đám cỏ xanh , trên đầu là những tán thông già vi vu, bồi hồi nhớ những kỷ niệm thơ trẻ đã qua. Sát bên đồi thông là một nhà thờ đạo Tin Lành của buôn Alê A được xây dựng khá đẹp Nhà Nguyện nhỏ cạnh một đồi thông xanh, khung cảnh thật lãng mạn.
Kết thúc nửa ngày rong chơi của tôi là ghé vào thăm nhà bạn Bằng cũng gần đồi thông. Trời trưa nắng bắt đầu nóng gắt nhưng nhà bạn nằm trên triền đồi nên rất mát mẻ. Hai vợ chồng bạn đang ngồi trên ghế đá trước nhà hàn huyên, rất tình cảm, thư thả và yên bình
Vậy là tôi đã đi một vòng, từ phố vào hồ Ea-kao, rồi vòng theo một con đường khác về lại phố. Con đường cũng không xa nhà tôi bao nhiêu vậy mà ngót 20 năm tôi mới đi trở lại. Đôi khi những điều thật gần gũi với mình, nó trở thành tầm thường. Con người bao giờ cũng mơ ước với tới những mộng tưởng xa xôi hơn. Nhưng bỏ một chút thời gian để đi về tuổi thơ, lắng nghe kỷ niệm. Trái tim già nua bỗng thổn thức như ngày còn trẻ dại, khi tôi còn là cậu trai trẻ theo cha mẹ, anh em lên rẫy cà phê, một ngày đã xa rồi…
Thời gian đã qua đi mãi không bao giờ trở lại, chỉ có mình tôi hôm nay trở lại, một vòng về con đường xưa khi mái tóc giờ đã hai màu.
Suối mang tên Noel vì hồi trước ngay đây có một đồn điền của ông Tây Noel
Trên bờ hồ Ea Kao
Dưới chân đập là ruộng vườn của người dân
Một nhóm sinh viên Đại Học Tây Nguyên sinh hoạt chuyên đề Bảo Vệ Đầm Hồ nhỏ
Hồ Ea Kao như một bức tranh Sơn Thủy
Đồi thông Buôn Alê A. Nếu như ngày trước là một điểm đi pic nic thú vị
" ...Ta vẫn chờ em dưới gốc thông già đó.
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư....." ( Thu hát cho người )
Nhà thờ Tin Lành gần đồi thông
Cầu La San hay còn gọi là Cầu Cổng số 2
Gần cầu trong Buôn Alê A ( Hiện nay là đường Y Nuê) . Đường vào nhà bạn Hoàng Văn Bằng
Photo: Hoàng Phú
- NẮNG HÈ BAN MÊ – Phạm Văn Ninh
- THÁC TRINH NỮ - TỈNH DAK NONG
- CHÚC MỪNG CÁC THẦY CÔ, CÁC SƯ HUYNH VÀ CÁC BẠN HỮU NHÂN MÙA GIÁNG SINH 2014
- NÚI CHÚA KI TÔ VUA – CHÂU SƠN- BAN MÊ THUỘT
- HỒ EA NHÁI – DAK LAK
- TRỞ VỀ KỶ NIỆM
- KHU DU LỊCH KÔ TAM - ĐỊA ĐIỂM DỰ KIẾN CHO NGÀY HỌP MẶT 15-5 SẮP TỚI
- ĐỨC MẸ GIANG SƠN
- NHỮNG KÝ ỨC VỀ KHU TRẦN HƯNG ĐẠO BAN MÊ
- NHỮNG NGÔI TRƯỜNG Ở BAN MÊ NGÀY TRƯỚC
Video
Tin mới nhất
Tin đọc nhiều nhất