MỘT THỜI TẠI NÔNG TRƯỜNG BUÔN TRIẾT ( Viết để hoài niệm về một thời) – Hoàng Phú

 

        Khoảng cuối tháng 11/1978 khi chúng tôi đã tốt nghiệp CĐSP BMT. Các bạn bè khác đã nhận quyết định đi dạy học tại các trường khắp BMT và Gia Lai. Nhóm bạn khoảng 35 người chắc có lý lịch không được sáng lắm phải nhận quyết định lên đường vào Buôn Triết – H. Lăk  để lao động đào mương thủy lợi. Trong nhóm này gốc La san đồi BMT gồm có tôi, Trần Văn Ba, Đậu Đình Phú, Trịnh Quang Trung, Ngô Huy Hoàng. Hồi đó tất cả các cơ quan , ban ngành của tỉnh ĐăkLăk đều tập trung vào Buôn Triết hết. Chúng tôi được phân ở khu vực của Sở Giáo Dục ngay bên cạnh một dòng sông lớn ( Đến bây giờ cũng chưa biết tên). Ở đây chúng tôi cũng gặp một số đông các Thầy giáo bên Cấp III BMT Lưu dung của chế độ cũ như: Thầy Giõng, Thầy Vĩnh, Thầy Nam, Thầy Hoàng Nga, …

        Nhóm chúng tôi được cho nghỉ tạm trong hội trường của khu. Ngay hôm sau  được phân công trong 1 tuần lễ phải qua bên kia sông chặt tre, cắt tranh để làm nhà ở tạm cho chính mình. Vất vả  cả tuần lễ  thì cũng xong những dãy nhà lụp xụp, mái tranh, nền đất. Giường nằm là những thanh đồ ô đập dẹp vắt ngang những khung tre cột sẵn. Sau khi xong phần chỗ ở, hàng ngày mọi người đều cuốc xẻng trên vai lên đường ra công trường xa khoảng 2 km. Công việc hằng ngày là mọi người phải đào mương thủy lợi với khối lượng định mức sẵn với từng người. Công việc rất là vất vả và bẩn thỉu. Đất ở khu vực này thường là xình lầy. Một số người dùng leng để sắn những khối đất nặng cả chục kg. Những người còn lại dùng tay chuyền  khối đất   theo hàng từng người để đắp lên bờ kênh.  Ăn uống mỗi ngày vừa đủ no mà công việc mỗi ngày quá nặng nhọc nên nhiều lúc thở không muốn nổi. Nhưng nhờ sức vóc chúng tôi mới tuổi đôi mươi nên cũng cố gắng vượt qua được.

        Buổi chiều lúc trở về mọi người được đắm mình được dòng sông trong xanh bên cạnh khu trại quên hết cả mệt nhọc.  Lúc đó con sông  cũng còn rất nhiều cá. Đăc biệt là cá Thác Lác mình mỏng xương rất nhiều. Nấu cháo rất là ngon. Tranh thủ lúc rảnh rỗi một vài bạn lấy mùng ngủ xuống sông kéo cũng được cá. Một lần có lẽ vào Chủ nhật Tôi cùng với Đậu Phú, Trung con,..đi xuồng qua bên kia sông vào một con suối nhỏ cắm trại, bắt cá nhiều vô kể ,cùng nấu ăn trưa cũng thấy vui vui với bạn bè trong những ngày cùng cực này.

       Lúc đó mọi người lao động tại Nông trường  Buôn Triết như bị giam lỏng.  Con đường độc đạo dẫn vào nông trường có trạm gác. Muốn ra vào nông trường phải trình giấy tờ. Cái Tết đầu năm 1979 chúng tôi không được về nhà ăn Tết . Lần đầu tiên phải xa

nhà ăn Tết buồn thê thảm.  Với một ít bánh trái được cấp và quà từ gia đình gửi vào  cùng một cây đàn Guitar hát nghêu ngao bên bờ sông rồi cũng qua được mấy ngày Tết buồn. Hồi đó bài hát “ Hoàng hôn trên sông” với điệu valse dặt dìu sau:

               Hoàng hôn trên sông, dòng nước xanh xanh.

              Lững lờ trôi êm êm, gió ru con thuyền đi muôn nơi.

              Bóng chiều vàng lặng lẽ ru hồn tôi.

              Mình tôi bên sông, nhìn nước long lanh ….

   Bài hát này rất phổ biến trong nông trường Buôn Triết lúc đó. Những chiều buồn, hoàng hôn xuống . Ngồi bên sông nghe bạn bè hát  khúc hát  này mà long rưng rưng muốn khóc vì nhớ nhà.

    Gần ba tháng lao đông tại nông trường rồi cũng được cho về nhà. Nhóm chúng tôi cũng nhận được quyết định đi dạy học tại những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của tỉnh Dak Lak. Tôi và Trần Thanh Sơn phải đi Đak Nong. Hồi đó Đak Nong là huyện lỵ rất xa và mất an ninh. Khi Tôi và Thanh Sơn vào trình diện tại Phòng Giáo Dục tại Thị Trấn Gia Nghĩa. Ngay trước cửa văn phòng có đặt một tấm bảng nhỏ “ Không tiếp thanh niên tóc dài”. Đáng lẽ theo sự phân công của phòng giáo dục này. Bạn Sơn sẽ được dạy tại Thị Trấn Gia Nghĩa, Tôi thì vào dạy tại xã Đạo Nghĩa cách thị trấn khoảng 40 km. Tay trưởng phòng tên “ Thật” cầm quyết định của Sơn trước và hỏi.

-          Anh là Trần Thanh Sơn phải không ?

-          Dạ em là Trần Thanh Sơn !

-         Anh Sơn để tóc dài quá anh phải dạy trong xã Đạo Nghĩa, còn anh Phú dạy tại Thị Trấn Gia Nghĩa.

      Và Sơn đã vào dạy tại xã Gia Nghĩa 7, 8  năm. Bạn lập gia đình với một cô giáo cấp I dễ thương người địa phương và họ hạnh phúc đến bây giờ. Đúng là số phận có thể bước ngoặt là một mái tóc dài chăng ? Tôi thì trụ ở thị trấn Gia Nghĩa gần 4 năm. Trường trên một ngọn đồi nhỏ cách chợ có mái che khoảng  50 m. Biết bao kỷ niệm thời trai trẻ ở thị trấn này. Một thị trấn như Đà Lạt thu nhỏ. Mỗi buổi sáng đứng tại trường trên đồi cao nhìn xuống thung lũng  xa xa phía dưới đong đầy sương mù. Cảnh vật lung linh huyền ảo như cõi tiên.( Bây giờ nơi đây thay đổi quá nhiều)

     Rồi thời gian trôi nhanh. Nhiều bạn gõ đầu trẻ vài năm thì rẽ sang công việc khác như: Trần văn Ba, Đậu Đình Phú, Ngô Huy Hoàng, Trịnh Quang Trung,…Tôi và Sơn thì vẫn bám trụ cho đến lúc về hưởng lương hưu. Có lẽ tại mình không năng đông chăng nên không dám thay đổi công việc. Nhưng có lẽ mỗi người có một số phận như mái tóc dài của bạn Sơn .  Đôi lúc nhớ về quá khứ. Một thời vất vả ở nông trường buôn Triết. Nhưng vẫn có cái để nhớ như những buổi chiều muộn mọi người nô đùa, bơi lội, vui cười hồn nhiên  trên dòng  sông ngày ấy. Một thời để chúng ta nhớ và hoài niệm.

   

 

 

 

  

Video


time2online Extensions: Simple Video Flash Player Module