KÝ ỨC DẠT DÀO VỀ FRÈRE SONG NGUYÊN VÀ CÁC THẦY CÔ TẠI LA SAN ĐỒI BAN MÊ THUỘT - Vương Hữu Thái
Đầu tháng 6 năm 2008,lâu lắm tôi mới có dịp gặp lại bạn bè Trung Học LaSan Đồi( hay còn gọi là LaSan Kbuôn) BanMêThuột ngày xưa hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Sau những câu chuyện thân mật ôn lại trường xưa lớp cũ, kẻ ở người đi, công việc làm ăn…cuối cùng nhóm bạn rủ nhau đến Quận Gò Vấp để thăm Frère Nguyên từ Hoa Kỳ trở về hiện đang dưỡng bệnh tại nhà người họ hàng, được biết Frère đã bị ung thư xương rất khó chữa nên muốn trở về Việt Nam để tìm lại không khí Dòng LaSan , dẫu không còn được như ngày xa xưa nhưng vẫn còn đó những tiềm năng tương lai “tiềm ẩn” trong lúc ơn gọi tu sĩ tại Hoa kỳ đang sút giảm
Thật bất ngờ vì sau 41 năm tôi và các bạn mới được hội ngộ với Frère , trông khuôn mặt Frère cũng không quá khác biệt ngày xưa dầu mái tóc đã bạc trắng, đôi gò má nhô cao hiện lên như có chút gì tiều tụy, vẻ xanh xao yếu đuối. Lúc Frère ngồi dậy trò chuyện với những cựu học sinh đang quây quần bên cái giường sắt Frère nằm nghỉ, tôi mới thật không ngờ Frère có trí nhớ sâu sa không hề phai lạt với mỗi con người thời chúng tôi còn đi học. Cũng giống hệt tính cách người thầy cũ có một điểm tựa vững chắc bằng chính cuộc đời học sinh ngày trước và trọn vẹn dấu ấn thân ái đến tận hôm nay, vượt qua không gian và thời gian- vốn vô cùng tàn phá và trải rộng qua bao sự kiện- đi qua và hiện diện ở mỗi người học trò chúng tôi và cả Frère với bao số phận khác nhau.
Frère gọi lần trở về này có thể là một định mệnh và muốn ở lại đây đến cuối đời. Và Frère đã qua đời [1],vĩnh biệt Frère Song Nguyên dù trong lòng tôi vẫn không quên nổi một trong những người Thầy để lại dấu ấn tuyệt vời trong suốt quãng đời đi học từ bậc tiểu học đến trung học nơi trường Lasan
Niên khóa 1971-1972 Frère Gnereux từ nơi khác đổi về dạy môn Quốc Văn hay là Việt Văn và hướng dẫn lớp 7a1. Ở niên khóa trước Bộ Giáo Dục đã đổi tên gọi Trung học Đệ I cấp bao gồm các lớp 6-7-8-9 thay cho cái tên gọi trước đó như; Đệ thất, Đệ lục,Đệ ngũ, Đệ Tứ. Đệ II cấp bao gồm các lớp10- 11-12 thay cho Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất. Frère có vóc dáng mập, hơi lùn, mái tóc quăn tít với cặp mắt tròn xoe đeo kính, lúc đó Frère chỉ tuổi 28 và thường phóng chiếc MoBylette cà tịch mỗi lần xuống phố. Điều đáng nói là Frère có lối dạy học mang vẻ “cách tân” tức là tạo sự thoải mái, gần gũi giữa Thầy trò và đi sát với thực tế cuộc sống hơn là áp dụng theo sách giáo khoa có vẻ cứng ngắt. ban đầu cả lớp tôi khá ngỡ ngàng với cách dạy học này, về sau khi lên lớp 8a1 có Thầy Thành dạy đúng theo chương trình giáo khoa Việt Văn tôi nhận ra cách dạy của Frère Gnereux thật ra cũng có khiếm khuyết nhất định, nhất là khi phải đối diện trong các kỳ sát hạch thi cử trong tương lai.
Frère tự in ronéo tập sách Việt Văn gồm các bài thơ mới của Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu trọng Lư, Nguyên Sa…cũng như bài bình giảng trích dẫn từ tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn…như thế sách “Giảng Văn” của tác giả Đỗ Văn Tú –được LaSan BanMêThuột chọn lựa trong nhiều bộ sách giáo khoa - mặc nhiên không được sử dụng, đây là trường hợp ngoại lệ chắc không có thầy cô nào dám áp dụng… Tôi nhớ Frère còn bắt cả lớp viết “ Nhật Ký” nộp vào thứ Bảy cuối tuần như là một phương cách luyện văn, nhưng với học trò thì có vẻ ngỡ ngàng vì có vẻ quá mới. Tôi may mắn là có nhiều sở trường về môn Việt Văn vì trước đây hai năm đã gia nhập “Thi Văn Đoàn”của tuần báo “Thằng Bờm” do Nguyễn Vỹ làm chủ nhiệm, với một bài viết ngắn khá ngây ngô được đăng. Nên tôi không ngạc nhiên khi Frère đã đọc lên bài “Nhật ký” tiêu biểu của tôi cho cả lớp nghe và tôi đạt điểm Việt Văn toàn năm luôn luôn cao. Kế đó tự nhiên Frère và tôi thỉnh thoảng trao đổi vài câu chuyện nho nhỏ về văn chương thơ phú, những tâm tình về những nơi Frère đã nhận nhiệm vụ như LaSan Huế chẳng hạn ,mà chắc Frère ít trao đổi với ai trong khối lớp 7,
Rồi bất chợt Frère cho in ronéo bằng giấy trắng cứng một khổ báo nội bộ mang tên “Nhóc” mang nội dung bài viết về tuổi học trò, ngay sau đó tôi có bài văn xuôi được đăng “Mùa hè Cho Một dấu Nhớ” về sau tôi sửa lại và được đăng trên tuần báo “Tuổi Ngọc”- với sologan là “Tuần Báo của tuổi Vừa Lớn” và sau đổi thành “Tuần Báo Của Yêu Thương” - do Vũ Mộng Long làm chủ nhiệm, sau mấy chục năm tôi chỉ còn nhớ một đoạn ngắn mà câu được câu mất “…thấm thoát thời gian nghỉ hè đã hơn một tháng, tôi có dịp trở lại thăm ngôi trường mà bất chợt cảm thấy bao điều luyến tiếc nhớ thương ùa đến. Tôi đến bên rặng phượng vỹ đang nở rộ những chùm hoa đỏ ối, dưới tán cây này mới đó tôi và mấy đứa bạn cùng lớp thường tụ tập trò chuyện hay có lúc trêu ghẹo nhau, thế mà giờ này lặng lẽ…tôi nhặt lên một cánh hoa rơi đã héo nụ tơi tả mà thấy bồn chồn trong lòng những điều khó tả…biết nói cùng ai khi tôi đến tuổi vừa lớn từ mùa hè này và dấu nhớ của tôi là một chút bâng khuâng, một chút rộn ràng…tôi chờ đợi những ngày sắp đến cùng với thầy cô bạn bè và mong lắm kể từ phút giây này…”, tôi đã sưu tầm báo này đều đặn. Đây là báo viết về những thổ lộ tình cảm hay tâm sự của tuổi học trò, nhưng về sau này thiên về lối viết yêu thương ủy mị, ướt át với nét vẽ trang trí của Lê Vĩnh Ngọc…có thể là hoàn toàn có vẻ gì đó xa cách với thực tế và lý tưởng của tuổi cắp sách đến trường, và mặt khác xa rời với đất nước quê hương trong hoàn cảnh bấy giờ. Cần nói thêm là hồi ấy sách báo dành cho tuổi học trò thuần túy rất khiêm tốn cụ thể chỉ có: Thằng Bờm, Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Tuổi Ngọc, Tuổi Hồng…nhưng nhiều tờ đã đình bản vì thiếu kinh phí hoặc tài trợ. Đặc biệt có Tủ Sách Tuổi Hoa gồm 3 loại: Hoa Tím( dành cho tuổi 16-18), Hoa Xanh( tình cảm nhẹ nhàng như gia đình, học đường), Hoa Đỏ(phiêu lưu, mạo hiểm) từng là hiện tượng hiếm thấy vì được giới trẻ mến mộ qua các tác phẩm viết về tình cảm gia đình,học đường..có tính giáo dục nhân bản nhưng vẫn toát lên vẻ trẻ trung với các cây bút như: Hoàng Đăng Cấp. Thùy An,Minh Quân, Thái Hải, Thụy Ý…cùng với nét vẽ trang bìa hết sức dễ thương của Vy Vy mà khó có họa sỹ nào thể hiện sinh động với tuổi học trò đến như vậy, trong lúc đó các sách báo nhảm nhí và đồi trụy cũng không phải là thiếu. Bài thơ của tôi đăng trên tờ “Nhóc” nữa là “Ngày Mới Yêu” lấy từ cảm xúc những nữ sinh LaSan tha thướt với chiếc áo dài trên sân trường giờ ra chơi mà tôi còn nhớ mấy câu:
…rồi bất chợt khi biết thương màu lá
nhớ bâng khuâng vạt áo trắng sân trường…
Nên nhớ từ niên khóa 1969-1970 lần đầu tiên trung học LaSan thu nhận học sinh nữ và cùng năm đó Frère Jules Nguyễn Chí Hòa[2] vừa tốt nghiệp khoa Giáo Dục từ Pháp về nhậm chức Hiệu Trưởng thay cho Frère ColomBan Đào đi sang Bỉ tu nghiệp.
Khi bài thơ này được đăng tôi chợt thấy có cái gì đó “mắc cở” khi nhiều lần các chị lớp 9-10 ớ khối trên chọc ghẹo ở giờ ra chơi, tôi tự nhủ cần đắn đo khi viết ra những gì trong khuôn khổ tuổi còn đi học. Tờ “Nhóc” chỉ tồn tại nổi 4 số vì tốn chi phí trong khi bán với giá 10 đồng,mà học sinh lại chuyền tay nhau đọc, lý do khác nữa là tại trường cũng không nhiều các tay viết khá khá có thể lôi cuốn độc giả nhí. Đây có lẽ là báo nội bộ duy nhất của một thời LaSan .Kế tiếp Frère Song Nguyên tổ chức một thư viện trên giảng đường lầu 3 bằng cách cho đọc sách báo tại chỗ miễn phí, còn nếu mượn về nhà phải lập thẻ thư viện và trả lệ phí nho nhỏ tính theo ngày. Rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị và chọn lọc đã hiện diện dầu chưa đầy đủ , nhờ vậy đó là dịp tôi tha hồ mượn về nhà đọc thỏa thích mà không tốn một xu- vì đã thỏa hiệp với Frère –có những tác phẩm khó đọc dày trên 700 trang như “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay” của Tạ Tỵ, “Phạm Duy còn đó nỗi buồn”của Nguyễn Trọng Văn, rồi loại sách “Học Làm Người” với Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần… được tôi chiếu cố cẩn thận và say mê, thế mà cái thư viện ấy chỉ tồn tại nổi mấy tháng vì nạn mất sách rồi sách hư nát…khiến Frère không duy trì nổi. Cũng trước đó và về sau tôi còn có thói quen la cà ở các tiệm sách lớn như: Văn,Văn hoa,Tinh hoa, Tiên Dung…để đọc “cọp” nhiều tác phẩm nổi tiếng với sở trường “ đọc nhanh , hiểu nhanh” mà lắm khi cũng ngại khi nhận ra cái nhìn thiếu thiện cảm của người bán sách, hoặc phải mua cái gì đó thật rẻ cho xong, hoặc có khi tôi làm quen được với tiệm sách dễ chịu, cho học trò đọc thoải mái. Tôi còn đi thuê sách theo ngày ở vô số các điểm trong thị xã và mượn thêm ở mấy đứa bạn nhà giàu hoặc hàng xóm nhưng tôi ngại nhất là khi mở trang đầu tiên thấy ghi dòng chữ; ‘có tiền mua lấy mà xem, mất công cho mượn mất công đi đòi” hoặc “ai ơi có tật mượn luôn, nếu mà phát hiện quê đời đó nghe!” bởi có tình trạng bạn bè mượn đọc rồi “mượn luôn” không trả về cho khổ chủ. Ghi nhận nét son “đam mê đọc sách” trong suốt thời gian đi học của tôi không những không phương hại đến việc học hành, mà còn giúp tôi rất nhiều trong tầm nhìn kiến thức và mở mang trí tuệ ,và sách là phương tiện hiệu quả nhất có thể dẫn dắt người đọc đến chân trời thế giới, bởi thế tôi rất ghét đọc truyện tiểu thuyết “ ba xu” hay kiếm hiệp, mà nhiều khi còn đọc vượt tầm so với lứa tuổi như Biên Khảo, Lịch sử…dù tôi chưa có thể hiểu biết tường tận, việc tìm kiếm cũng không có gì khó khăn nếu quyết tâm.Như thế nó cũng hữu ích nếu so sánh với cái thú ghiền xi nê võ thuật với Vương Vũ ,Khương Đại Vệ, Địch Long…mê nhạc kích động hoặc la cà chơi ở các tiệm billard …vào thời ấy.
Frère Song Nguyên còn bắt chúng tôi viết chữ đẹp như hồi tiểu học, thời tôi thường sử dụng bút mực hay bút máy PiLot, sang hơn nữa là cây PaKe 57 của con nhà giầu, trong cặp luôn có hộp mực Quyn Ink màu xanh dương hay đen là số 1, và có lần dịp tết Frère bắt chúng tôi tập viết thơ cho người thân trên giấy pelure màu hồng nhạt hay vàng, tôi dư hiểu đây là sáng kiến của Frère chứ không phải chương trình học chính khóa, chẳng hạn thỉnh thoảng Frère đọc sách báo cho học trò nghe, mà dài nhất là đọc tác phẩm “Ngựa chứng trong sân trường” của Vũ Mộng Long hoặc có khi bình luận về phim ảnh đang chiếu trên rạp ciné, một bản nhạc thời thượng nào đó…
Có lần Frère chọn một số học sinh nam nữ các lớp 7-8 tập nhảy song đôi( tương tự khiêu vũ) tập trên lầu 3 vào buổi chiều. Tôi có lần đứng ngoài xem để cổ vũ cho mấy bạn trong lớp được nhảy cặp với các chị NNM,BT,SH…thật vinh dự vì các chị có dáng đẹp “mi nhon” con nhà khá giả,nhưng lớp học này cũng mau chóng tan rã và không biểu diễn trong dịp đại hội văn nghệ học sinh toàn tỉnh kỳ đó, chắc có lẽ vì không thích hợp với khung cảnh học đường, hoặc Frère Hiệu trưởng không đồng ý. Nhưng có lần tôi và một số nam sinh được chọn tập múa dân vũ với các điệu múa khá ngồ ngộ lên xuống, ngang dọc, khoặc tay nhau đi qua trái , qua phải… theo điệu nhạc nền mở sẵn ở máy Akai ,mà tụi tôi kháo nhau chắc Frère bắt chước ở điệu nhảy lễ hội nào đó ở Tây ban Nha ?cuối cùng được biểu diễn nhân dịp Đại Hội Phụ Huynh LaSan với y phục áo đỏ có mang ‘thắt nơ”.Sau kỳ đó cả trường mới thấy Frère Song Nguyên cũng là một cây “văn nghệ” có biệt tài giúp học sinh có cơ hội bình đẳng ở các sân chơi có tính cách sinh hoạt học đường, đó cũng là cách thức để giảm bớt các áp lực tinh thần về bài vở,học tập…giúp thi vị hóa đời sống học đường, hồi ấy học sinh thường lưu truyền câu nói không biết là đúng hay sai nhưng cũng thể hiện một phần khát vọng học mà không chơi hao mòn tuổi trẻ, chơi mà không học phá hoại tương lai!…
Trung Học LaSan hồi ấy là trường tư thục có cơ sở bề thế nhất nằm cách thị xã 3 km trên ngọn đồi cao, kế đến là trường công lập Tổng Hợp, Kỹ thuật.. rồi Tư Thục Hưng Đức,Vinh Sơn, Bổ Đề…gồm nhiều thành phần: con nhà giầu, công tư chức, buôn bán ,làm vườn…một số nhỏ dân tộc Eđê, số ít chủng sinh Đan viện Thiên Hòa nội trú ở khu nhà gỗ cuối trường. Hồi đó học sinh con nhà trung bình hoặc thấp hơn thường ưu tiên chọn trường Công, nếu không còn chỗ mới sang trường tư. Nhưng từ niên khóa 1971-1972 các trường trung học tư thục trong tỉnh đã ngồi lại với nhau để ấn định giá học phí chung, nên không có trường nào thu hơn trường nào, vấn đề còn lại là sự lựa chọn của phụ huynh. Trường LaSan hồi ấy trên 1500 học sinh và là trường khá uy tín bởi nhiều thế hệ học sinh học lên đại học nên nhà trường luôn nằm trong ưu tiên nếu chọn trường tư thục của nhiều gia đình. Thông thường người ta căn cứ vào kết quả kỳ thi Tú Tài để đánh giá năng lực trường ấy. Năm 1970 kỳ thi Tú tài I được bãi bỏ, đến niên khóa 1973-1974 kỳ thi Tú Tài Phổ Phông trắc nghiệm chấm bằng máy IBM đầu tiên được tổ chức, khối lớp 12 LaSan đậu rất cao, đây là kỳ thi quan trọng cuối cùng trước khi nhà trường chấm dứt hoạt động.
Thông thường trong các khối lớp có hai khuynh hướng: học sinh con nhà giầu thích đua đòi chưng diện nhất là từ lớp 8 trở lên. Con trai thì để tóc dài( vừa phải thôi), mặc áo chít eo,quần ống loe. Con gái thì áo dài ngắn trên đầu gối,nếu là đồ tây thì cũng áo bó quần loe( thời trang nhất là áo dài Raglan tay liền và kiểu tay Puff tay phổng vẫn là trong mơ của phái tóc dài) còn nếu quần Jean(quần bò Texas) thì số 1 vì đắt đỏ. Chỉ có một số chị lớp trên 9-10 thường mặc jupe ngắn nên thường là đề tài bàn tán cho học sinh chúng tôi. Mỗi sáng thứ hai đầu tuần nam sinh phải mặc đồng phục áo xanh lơ quần đen, áo bỏ trong quần đeo phù hiệu đi giầy BaTa hẳn hoi ,cấm chửi tục hoặc hút thuốc lá còn nữ sinh mặc áo dài trắng để chào cờ và nghe Frere Hiệu Trưởng nhắn nhủ. Các ngày khác y phục tự do nhưng phải đi sandane, nên cũng là dịp để các bạn khoe mẽ quần áo thời trang (gọi là à la mốt) nhưng với các bạn ở tầng lớp trung lưu hay thấp hơn thì ít quan tâm chuyện này, bởi thế câu ca có tình có ý vẩn mãi âm hưởng về những nữ sinh nghiêng nghiêng nón lá / tay ôm cặp vở / tà áo tung bay . Một số bạn ở vùng Chi Lăng, Duy Hòa, Trung Hòa…vì gia đình sống bằng nghề nông nên có vẻ an phận, hiền lành, không đua đòi, tôi còn biết nhiều bạn đi học về còn phải phụ việc đồng áng, nên thật đáng phục.
Frère Song Nguyên cũng tổ chức những chuyến picnic có mang theo đồ ăn thức uống hay tự nấu tại chỗ, đi về trong ngày hay có thể ngủ lại một đêm với chương trình văn nghệ,leo trèo, vui chơi.. ( nay gọi là dã ngoại ngoài trời )mục đích giúp chúng tôi nhận biết khám phá và yêu mến thiên nhiên,để hiểu thêm những điều bổ ích từ vạn vật và đời sống chung quanh. Sau những giờ học khá gò bó, thì đây là giờ phút thoải mái và đem đến niềm tươi vui trong đời học trò, được đi đến Suối đá,Cốc Lâm Tuyền, Thác Nhà Đèn…các bạn đã học được bài học từ chính thực tế tai nghe mắt thấy và những điều kỳ diệu như khi ăn cơm khê – để thấy được miếng ăn phải khó nhọc ,khi vượt đường xa hay leo trèo có lúc tay chân bị xước – để thấy cần nỗ lực trong cuộc sống, khi thấy nông dân canh tác giữa trời nắng – để thấy được đi học là vinh dự, khi thấy nhiều trẻ em sống dưới mái tranh nghèo – để thấy cần rộng mở lòng nhân ái ….. Những dịp như vậy Frère cũng bị học trò trêu ghẹo và tôi còn nhớ những ẩn danh biệt hiệu chúng tôi đặt cho các Frère như:Frère Song Nguyên là mập mà lùn,Frère Hiệu Trưởng là Khám Chí Hòa,Frère Jean Châu là Trâu, Frère Pacine là Acid Sulfuric,có một Frère dạy ở tiểu học ốm nhom được gọi cái tên xì ke và Frère đã vào tận lớp tôi mắng một trận,có Frère cao lớn chuyên chăm sóc cây cối và nuôi bầy chó Berger Đức là cao bồi Jango…nhưng chỉ dám nói sau lưng. Còn các thầy cô cũng tương tự như: Thầy Tường dạy Toán là LucKy Lucke, Thầy Trần Cường dạy Công dân là Vịt bầu, Thầy Khang dạy Anh Văn là Khang Dế…học trò cũng hay sử dụng tiếng lóng đệm giữa câu chuyện như: “ bị ở tù” ám chỉ khi bị phạt cấm túc (con gái hay chọc quê cái tội này), “làm lao công” tức là khi đến phiên quét lớp, “thăng” là trốn học cả ngày( Frère Giám Thị mà biết thì chết!), “cúp” là trốn học vài giờ, “phi”là lén hút thuốc, “ghệ” là con gái, nghe giảng bài dài quá gọi là “giảng morale”, quay cóp tài liệu khi thi là”cours”…thật đúng với câu nói quen thuộc nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Thật sự mà nói những nghịch ngợm nho nhỏ như vậy luôn là những kỷ niệm thiết tha khó phôi phai,nhất là khi bất chợt nhìn lại ngày tháng cũ khi đã bước chân vào cuộc đời với bao thử thách chông gai, và bởi quãng đời đi học yêu dấu ấy chỉ diễn ra có một lần trong đời.
Câu tâm niệm mà thế hệ học sinh của tôi hầu như thuộc lòng và được dán ở lớp ngày nay học tập ngày mai giúp đời rồi tiên học lễ hậu học văn và nhiều lời nhắn nhủ của các Frère, cũng thể hiện phần nào cung cách hoạt động và ý chí của nhà trường. Trong suốt thời gian học LaSan tôi ghi nhận không có tệ nạn du côn hay bụi đời nào tồn tại, một phần cũng nhờ Frère Giám Thị rồi Giám Học cả 2 cấp khá nghiêm khắc, mỗi tuần hay mỗi tháng đều có tự kiểm trong giờ sinh hoạt học đường nên dễ phát hiện trường hợp xấu và phải chịu kỷ luật. Một ghi nhận nữa là cả trường có giờ dạy Giáo Lý giúp học sinh nhận biết Đức Tin nơi Chúa GiêSu KiTô,lồng trong bối cảnh thế giới ngày nay đang chuyển biến không ngừng, nhận thức được những mặt lương tâm lương tri của con người cũng như hướng niềm tin của giới trẻ vào tương lai trong tinh thần phát triển ,cầu tiến nhưng gắn liền với đức hy sinh, bác ái…giữa lúc thế giới còn quá nhiều đau thương - dầu tỷ lệ học sinh ngoại giáo chiếm 30% và các phụ huynh cũng nhìn nhận tính giáo dục nhân bản của môn học này – trước giờ học và ra chơi học sinh phải đọc kinh . Hàng năm mỗi dịp Tuần Thánh , nhà trường cho nghỉ một tuần và các Frère cũng dạy hát Thánh ca vào dịp lễ lớn,đáng chú ý Thánh Ca Vào Đời luôn được giới trẻ hâm mộ và phổ biến rộng rãi, chẳng hạn bài “Hành Trang Người Trẻ” được hát đệm bằng guitar điện và đánh trống đã gây náo nức một thời: Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời, Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng, cùng với lớp sóng người hành hương về nhà Chúa đi về nhà chúa đi…”Nhờ phương cách giáo dục của các Frère mà nhiều thế hệ đã nên người, một số đã thành danh và vươn vai khắp góc bể chân trời.
Niên khóa 1971-1972 Frère Song Nguyên đã phải đổi đi dạy học tại LaSan Adran Đà Lạt cho đến năm 1975 thì Frère rời Việt Nam sang Hoa Kỳ. Rất ít học trò biết tin vì Frère ra đi lặng lẽ, chắc có lẽ Frère sợ khi lên máy bay Air VietNam ở phi trường Phụng Dực, lúc đi ngang con đường rợp hàng cây Giá Tỵ liêu xiêu sẽ buồn rơi nước mắt khi phải xa cái xứ cao nguyên mịt mù. …Sau đó Frère có gửi cả xấp thơ qua đường bưu điện cho những học trò thân thiết, nhưng chỉ vài lần rồi ngưng hẳn. Tôi hiểu Frère phải miệt mài trong cái sứ mạng cao cả của Tỉnh Dòng trao phó, và ở các nơi Frère lần lượt đi qua cũng trải đều nhiệm vụ gần giống như nhau,dù thành quả đạt được có thể khác nhau…Frère đã để lại một ấn tượng khó quên trong đời học sinh của tôi và khối lớp 7 ngày nào cũng như các lớp có Frère dẫn dắt.
Tôi cũng nhớ đến Frère Hoài dạy Lý Hóa với các dụng cụ lần đầu chúng tôi tiếp cận cách say mê và ngạc nhiên. Frère Pierre dạy Anh Văn với cái giọng nhát gừng nhưng phát âm rất chuẩn, đặc biệt Frère Hàm đã tập hát lớp tôi và lớp khác phối hợp tham dự hình như là Hội Diễn Văn Nghệ Học Sinh tại rạp Thăng Long, bài hát có lời ca nhẹ nhàng trìu mến được một giải thưởng, tôi còn nhớ vài câu : sóng vỗ miên man như đưa con luôn trở lại mẹ hiền / tiếng sóng xa đưa ru êm mang con trở về mẹ yêu…hoặc: thôi ta ra đi ngàn mây gió ơi(ới ơi…ới …ơi) / chập chùng sông núi ngập ngừng chờ đón(ón on…ón…on)… một bài hát trầm bổng có hồn và quyết liệt, rất tiếc tôi đã quên hết và chỉ còn nhớ đã được Frère Tài tập bài bản…
BanMê, mảnh đất muôn thuở buồn như tên gọi với những con phố “đi dăm phút đã quay về chốn cũ”, nơi đó có những dải nắng nhạt nhòa, cơn gió lộng mang theo hương rừng ngào ngạt, những cơn mưa dầm rả rích thấm đất dẻo quạnh màu đỏ gạch cua…đã là nỗi nhớ không nguôi của người xa xứ. Còn nữa với tôi những kỷ niệm da diết thời học LaSan luôn để lại trong lòng tôi một ký ức dạt dào khó quên và mãi là như thế.
Vương Hữu Thái ( Lớp 10AB Song Nguyên)
[1] SH.Gnereux Song Nguyên (Võ Thành Nhơn) gốc Miền Nam. Sinh ngày 23/6/1943.Mất ngày 26/02/2009 tại LaSan Mai Thôn, thọ 66 tuổi. Các cựu HS. LaSan đã tổ chức Lễ giỗ mãn tang ngày 27/02/2012 tại Nhà thờ Chánh Tòa BanMêThuột
[2] SH. Julès Nguyễn Chí Hòa qua đời tại BanMêthuột ngày 26/03/2006
SH.Gnereux Song Nguyên (Võ Thành Nhơn)
Frère Placide Nguyễn Văn Hoà và Frère Hàm ( Chụp tại Lasan đồi BMT)
Từ trái sang phải: SH Pierre - Thầy Luyện - T. Nguyễn Đức Tá - SH Colombanb - T. Trần Cường - Cô. Hương - T. Tạ Duy Sơn - SH. Ân - T. Trương Văn Trúc - SH. Damasence - T. Nguyễn Thái Đình - SH. Constant
Những tà áo dài La San Ban Mê - Từ trái qua: Thục Lệ - Bạch Mai - Thị Biên - Nguyệt Mai - Kim Anh (Xuyến) - Thu Sương
- BUỔI GẶP MẶT CÁC ĐỒNG MÔN LA SAN TẠI SÀI GÒN - Đỗ Việt Trung
- TRỞ VỀ TUỔI THƠ – Đỗ Việt Trung
- THĂM THẦY CŨ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11-2013
- NHỚ VỀ THẦY CÔ NGÀY XƯA ẤY - Phạm V Ninh
- LA SAN LAM SƠN BAN MÊ NHỮNG THÁNG NGÀY ÊM ÁI TUỔI THƠ – Vương Hữu Thái
- HỘI Ý VÀ MỜI ANH EM LASAN DỰ LỄ THÁNH GIOAN LASAN QUAN THẦY CÁC NHÀ GIÁO DỤC 15-5-2013
- TIỂU SỬ THÁNH GIOAN LASAN
- BẦU LẠI BAN LIÊN LẠC TOÀN TRƯỜNG MỚI
- THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA
- ANH HOÀI THĂM BẠN VŨ VIỆT TUẤN VÀ MỘT SỐ ẢNH CHỤP QUA ỐNG KÍNH CỦA ANH
Video
Tin mới nhất
Tin đọc nhiều nhất
Comments
xua ay
RSS feed for comments to this post