THẦY TRÒ NGÀY XƯA ẤY

Ông bạn đời của tôi là một thầy giáo già. Ra trường từ năm 22 tuổi, đến nay đã gần về hưu rồi, cũng hơn ba mươi mấy năm làm nghề  gõ đầu trẻ. Học trò nhiều em cũng thành  đạt, làm  Kỹ sư, Bác sĩ hay Cán bộ, và già gần bằng thầy. Thầy thì vẫn giống như người đưa đò qua sông, ngày hai buổi ôm giáo án đến trường.... Cũng tốt, lớp trẻ bây giờ giỏi giang, học hành, phấn đấu.

   Có một hôm thầy có việc phải đến một cơ quan nọ để làm một số giấy tờ. Gặp một học trò cũ có chức vụ gì đó trong cơ quan. Chắc sợ bị nhờ vã, trò làm như không biết thầy, và gọi bằng anh. Ra về ông thầy kể với vợ : Đúng là học trò thời nay, dẫu gì một chữ cũng là thầy. Tôi an ủi ông bạn già của mình : người ta là cán bộ, bụng bự nên già, còn anh vẫn phong độ nên gọi bằng anh là anh trẻ, thôi đừng buồn nữa.

   Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thế kỷ 21, chắc cũng ít người trẻ nhớ câu này, nó cũ kỹ và xưa rồi. Ông thầy già cứ suy bụng ta ra bụng người. Lúc hai đứa mới lấy nhau, anh hay nhắc đến  một người thầy. Người thầy mà theo anh có ảnh hưởng rất lớn đến anh, đó là Frère Hoài. Ngày còn nhỏ anh theo học ở một trường Công giáo, trường La San đồi BMT.

   Ở trường này đa phần giáo sư là các Frère, còn gọi là các sư huynh ( dòng La san  chuyên trách về giáo dục ). Cũng có một số thầy cô ở trường ngoài vào dạy, nhưng ít thôi. Nhìn tấm hình anh còn giữ, tôi thấy Frère Hoài rất trẻ và đẹp trai, đeo kính cận, mặc áo chùng đen. Trường toàn là con trai lại cỡ tuổi 14, 15 nhất quỷ nhì ma. Sau này đặc cách có một số nữ sinh , nhưng số ít, đa phần vẫn là đực rựa. Thời ấy chiến chinh loạn lạc, học ít chơi nhiều. Các Frère cũng vất vả lắm, mới đưa được chữ nghĩa vào đầu mấy ông con trai nghịch ngợm. Đi học mà trong cặp lúc nào cũng có bi nè, có dế đá , có banh lông nè.

    Anh kể cho tôi nghe trường nằm trên một con đồi rất đẹp, chung quanh là rừng tre.. Vì học hai buổi, nên một số bạn nhà ở xa không về trưa. Các bạn vào rừng tre làm những cái lều bằng lá cỏ và chui vào đó ngủ trưa hay học bài chiều đi học tiếp. Còn tranh thủ bắt dế đá bỏ vào cặp lên lớp chơi. Một hôm có một con dế của bạn nào đó, đang giữa buổi học buồn buồn nó gáy chơi. Thế là đồng loạt các con dế khác gáy lên inh ỏi. Vậy là ông thầy biết được, bắt đem tất cả dế lên nộp, đồng thời mỗi tên còn bị đánh đòn. Thời ấy học sinh bị đánh đòn là chuyện thường. Không phải là giơ cao đánh khẻ đâu, đánh thiệt tình lắm, có tên còn lại vết thẹo bị đòn cho đến bây giờ. Nhưng nghĩ về ngày xưa ai cũng thương mến các sư huynh, nhất là Frère Hoài, người có ấn tượng sâu đậm nhất đối với các học sinh.

   Frère không những dạy chữ còn luyện võ thuật cho học sinh, bài học đến đâu phải thực hành đến đó. Học Hóa thì phải lên phòng thí nghiệm làm thí nghiệm, học về thủy điện Frère xin xe trường chở lên Thác Nhà Đèn, một đập thủy điện nhỏ của Ban Mê thời đó., để cho học sinh xem cách vận hành các tua bin. Những kỷ niệm như vậy để lại trong lòng các học sinh  những bài học không phai mờ theo năm tháng. Không phải những kiến thức sách vở mà là bài học về tình người trong đời.

    Rồi Frère rời trường về dòng La San ở Sài Gòn, sau đó Frère đi du học Pháp. Chiến cuộc mỗi một ngày một khốc liệt.,  cho đến ngày hòa bình tin tức về Frère ngày càng xa xôi..... Thời gian cứ qua đi, thấm thoát mà đã 40 năm. Đám học trò ngày xưa giờ đã già, mỗi đứa một phương. Ban Mê Thuột, Sài Gòn, Cà Mau....Rồi Mỹ, Hà Lan, Pháp...mãi tận bốn phương trời. Chuyện học trò ngày xưa tưởng đã là dĩ vãng.

    Có một ngày họ tìm nhau, tụ họp lại, tổ chức họp mặt, lập một trang web kết nối. Thời đại internet, người ở xa mail về, người ở nhà mail đi. Vạn dặm xa xôi giờ như gần nhau gang tấc. Tìm lại những Sư Huynh đã dạy dỗ ngày xưa, thì nhiều người đã mất, Frère Hoài thì vẫn bặt tăm. Một anh bạn ở nước ngoài viết một bài đăng trên trang web với tựa đề " Nhớ về thầy cô ngày xưa ấy ", Trong đó có một câu đã làm ông trời cảm động : " Frère ơi trên đường đời lữ thứ, nếu Frère đọc được bài viết này, thì em xin gửi đến Frère  lời chúc may mắn, hạnh phúc và sức khỏe. Xin Chúa dìu dắt cho thầy trò chúng con có dịp gặp lại nhau. ".

    Lời cầu xin được ứng nghiệm, sau một thời gian tưởng như chìm vào quên lãng . Ngày 11 tháng 12 năm 2012 anh bạn của chồng tôi nhận được mail :... Ninh ơi, Frère Hoài đây..... Đối với Ninh đó là một ngày hạnh phúc. Một năm sau nhớ lại ngày này, anh vẫn xúc động. Cái mail đó được chuyển đi cho tất cả các bạn, cứ như một cơn sóng thần lan đi. Từ trí nhớ của những cậu bé lớp 8, người thầy được hình dung như một ông thần .Bây giờ ông thần đã xuất hiện mọi người đâm ra hoài nghi. Không biết có đúng là Thầy mình không hay có ai đùa dai đây. Hơn 40 năm sống ở trời Tây, mail của Thầy viết văn phong cũng rất Tây làm đám bạn cứ bán tín bán nghi.

    Cuối năm 2012, Frère bắn cho một tấm hình,báo tin Frère về lại BMT thăm cả lớp. Nhìn hai tấm hình mới và cũ thấy có nhiều nét khác nhau, một thanh niên kính cận nho nhã, bây giờ là một người trung niên phương phi, đầu hói. Chỉ có hai cái tai vễnh ra phía trước là không thay đổi. Đúng là thầy mình rồi.Vậy là cả lớp cứ nháo nhào lên bàn kế hoạch đón tiếp.Ông chồng của tôi là nhóm trưởng  họp tới họp lui, rồi điện thoại, rồi email.Cứ lăng xăng như vậy cho đến ngày Thầy sắp về.

    Đúng lịch là ngày mùng 4 tết năm 2013,  sáng 7 giờ thầy xuống sân bay BMT. Đêm trước ông xã tôi có vẻ khó ngủ,  anh. ngồi duyệt lại chương trình. Nào là xe đưa thầy, hoa tặng thầy, họp mặt ở đâu, .sinh hoạt, văn nghệ, ẩm thực, đưa Thầy thăm lại Ban Mê sau 40 năm xa cách. Còn tôi với bản tính đàn bà hay lo lo, tôi nghĩ biết đâu  là một màn đùa dai của tên bạn cùng lớp nghịch ngợm nào đấy không. Tôi chợt nhớ lại một cuốn truyện của Quỳnh Dao mà ngày còn bé mình đã đọc. Truyện kể về mối tình đơn phương của một cô học trò với giáo sư của cô. Rồi thời gian qua đi cô vẫn tôn thờ thần tượng đó. Một ngày cô trở lại quê hương và tìm đến thăm thầy. Cô gặp lại một ông già bẳn gắt, lụ khụ vì bệnh tật. Cô lặng lẽ ra đi, thầy cũng không biết cô về,  thần tượng ngày xưa đã chết....

    Mới 4 giờ sáng anh đã dậy lục đục ra sân bay, tôi cũng không ngủ được. Tiễn anh ra cổng tôi nói : anh nè nếu không gặp Thầy anh cũng đừng buồn, mà có gặp Thầy không như xưa cũng là chuyện thường, mình còn đổi thay nữa là. Ông chồng tôi phì cười : còn làm công tác tư tưởng nữa đấy. Tôi vẫn cố dặn với theo : nhưng anh gặp thầy thì nhớ gọi điện về nhé.... 6 giờ rồi, 7giờ hơn tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo và giọng anh như lạc đi trong gió, em ơi gặp Thầy rồi, vui lắm.

    Kể từ đó, điện thoại của anh ngoài vùng phủ sóng, anh tháp tùng thầy suốt ba ngày thầy ở lại Ban Mê. Về đến nhà anh kể một vài chuyện , rất hào hứng và lại sửa soạn đi, vì thầy về đây chỉ có đám học trò. Đường phố  thay đổi rất nhiều, con đường đến trường cũ ngày xưa giờ nhà cửa bít bùng .Những rặng tre già không còn nữa, ngay cả cái tên trường cũng là tên khác, lịch sử đã sang trang. Thầy thì vẫn rất tuyệt vời, thời gian làm thầy già đi nhưng không làm đổi thay tính cách của thầy.  Ông hỏi han từng người, ông cũng còn nhớ được những tên đệ tử ruột nữa. Ai không đến được ông gọi điện thoại thăm hỏi. Ông đến thăm mộ những Sư huynh đã khuất, đốt cho bạn những nén hương muộn của người phương xa.

   Ngày cuối thầy trò gặp nhau ở quán cà phê Huyền Thoại, cái tên Huyền Thoại làm ông tâm đắc lắm, ông nói : Thầy gặp lại các em như một huyền thoại và anh chồng ít nói của tôi ,bỗng dưng nói một câu khá hay:  và thầy cũng là một người thầy huyền thoại. Hôm ấy thầy đem một hộp bánh từ bên Pháp về, thầy cắt chia ra cho gần ba mươi học trò mỗi người một miếng. Thầy nói trong miếng bánh của ai có một viên kẹo, người đó nếu là nam sẽ là Hoàng Đế, còn nữ sẽ là Hoàng Hậu. Hôm ấy ngôi vị Hoàng Hậu rơi vào một cô bạn từ Sài Gòn về. Lúc thầy tự tay cài  vương miện cho T , cô  rơi nước mắt. Vì lúc xa mái trường đến giờ cô chưa có dịp thặm lại trường xưa, bạn cũ.  Nghe thầy về cô trở lại Ban Mê thăm thầy và các bạn.. Bạn ơi ngày xưa ơi bạn là người đẹp nhất lớp, và bây giờ trong lòng bạn bè bạn mãi là Nữ hoàng của lớp cho dù ngày mai có ra sao...

    Chia tay nhau Thầy đi Sài Gòn để trở về Pháp. Ở Sài Gòn thầy còn đi thăm nhóm học sinh cũng cùng lớp nhưng đang ở  tại Sài Gòn, cả một anh chàng đẹp trai và giàu có nhất lớp nhưng giờ bị tai biến não. Có vẻ như trong những ngày ngắn ngủi ở quê hương,  thầy không để quên ai hết, ngay cả những học trò đã khuất thầy cũng đến thăm mộ. Quả là một ông thầy tuyệt vời, ngày xưa thầy ra sao bây giờ thầy vẫn vậy. Ngày bay về Pháp thầy gởi cho cả lớp một email từ biệt, lời lẽ cảm động.

    “… Trước khi nhổ neo rời bến xứ Việt, nơi đọng lại bao kỷ niệm khó quên. Trong những ngày đầu xuân Quý Tỵ trên vùng đất đỏ Tây Nguyên. Trước khi hướng về miên Tây xứ lạnh. Anh thân ái gởi đến mỗi người, mỗi em lời chào thân ái nhất, và ước mong có ngày huyền thoại khác để cùng hội ngộ….”.

     Hôm nay một mùa xuân nữa lại về, sắp tròn một năm ngày thầy trò gặp lại nhau. Tôi ghi lại câu chuyện này qua một góc nhìn khác, cái nhìn của một người ngoài cuộc, chỉ là được dõi theo câu  chuyện ngay từ đầu.Với tấm lòng ngưỡng mộ, để thay một đóa hoa hồng đẹp nhất, đóa hồng cho tình thầy trò của ngày xưa ấy….

                                                                                                                                    CTV

 

Video


time2online Extensions: Simple Video Flash Player Module